Một Portfolio chuẩn cần gì?
Tôi từng là người nộp portfolio xin việc và cũng từng ngồi lựa portfolio để tuyển designer cho công ty. Hoạt động giải trí giết thời gian của tôi từ hồi đại học đến giờ vẫn là là giúp sinh viên kiến trúc dàn trang portfolio. Tôi rút ra rằng, nhìn chung một portfolio (graphic, product, architecture) chuẩn sẽ cần thể hiện đủ hai điều:
- Tư duy - Design process: concept hay, quy trình tốt, thì sẽ dễ làm việc cùng và dễ để bồi dưỡng hoặc bồi dưỡng người khác. Tiềm năng phát triển lớn.
- Kỹ thuật - Rendering skills: Tác phẩm nhìn ấn tượng. Cái này là kết quả trực tiếp nhất, thể hiện có gu hay không. Là một lợi thế lớn. Rendering skill ở đây chỉ tất cả các kỹ năng chuyên ngành như bố cục, dựng hình, màu sắc, ánh sáng, typography, vv chứ không phải nói về kỹ năng làm 3D.
Đó là về cấu trúc trình bày, còn về nội dung trình bày, có một số lưu ý sau:
- Bìa portfolio không cần quá ấn tượng và nghệ thuật. Ghi đầy đủ họ tên, loại thiết kế (phòng khi công ty có nhiều loại thiết kế) là ổn. HR phải đọc rất nhiều hồ sơ, họ có thể sẽ đau đầu.
- Không cần kèm ảnh cá nhân trên CV, không phải tuyển lễ tân, tuy nhiên mặt tiền đẹp là một lợi thế khi phỏng vấn. Tại Maztermind, một vài đồng nghiệp sẽ bảo tôi tuyển ứng viên nào họ thấy đẹp, tại họ đói khát sắc đẹp.
- Sở thích cá nhân không có ích gì cho công việc không cần cho vào.
- Thiết kế layout không cần điên rồ, mà cần dễ đọc. Hãy để không gian sáng tạo cho tác phẩm của bạn.
- Khoảng 5-8 projects theo tôi là số lượng lý tưởng cho 1 portfolio.
- Sản phẩm công ty đó như thế nào thì để project tương tự vào. Nhiều portfolio đẹp nhưng không hợp nên không đậu.
- Trình bày theo dự án với mục đích cụ thể. Tuy có nhấn mạnh ở trên về việc trình bày process, nhưng viết ngắn gọn thôi. Viết ngắn mà đủ là thông minh.
- Sinh viên thiết kế ngoài ngành đồ họa, đừng lúc nào cũng kéo khoảng cách chữ thưa ra. Nếu không nắm rõ về typography thì hãy để tất cả ở dạng default và dàn bố cục dễ đọc nhất cho công trình/sản phẩm của bạn. Dễ đọc tốt hơn sáng tạo sai cách.
Sau khi đủ những yếu tố này rồi, mới đến màn chấm điểm chất lượng thực sự. Chúc chúng ta may mắn.
Trước tôi có viết về trải nghiệm quá trình thiết kế lý tưởng ở đây.