Hãy viết, dù có thể sai

Viết ra ý kiến trên mạng như thế này là một việc không dễ dàng và thoải mái. Đặc biệt với người trẻ ít kinh nghiệm như tôi, có thể sai, sai rất nhiều, và bị ném đá, không đủ thành tựu để chứng minh lập trường.

Vậy tại sao biết sẽ sai mà vẫn viết, nên viết?

  1. Những thứ lớn lao đều bắt đầu từ các bước cơ bản:

    Bạn có để ý khi mới học tiếng Anh, tiếng Trung, chúng ta thường bắt đầu bằng " tôi đọc sách", "tôi ăn cơm", "tôi đi ngủ". Mấy câu đấy thì có gì hay, nhưng đó là những bước đầu đơn giản, để chúng ta quen với thói quen mới. Đến khi tôi viết những bài 5000 chữ tiếng Anh, tôi không còn nhớ nổi tại sao tự nhiên làm được như vậy, khoảng cách từ bài viết đó trở về cô bé trường huyện 12 tuổi lần đầu tiên học tiếng anh hào hứng vừa xa lại vừa gần. Việc viết cũng vậy, gõ những chữ đơn giản, đủ ý đúng chính tả, là những bước đệm đầu tiên của một kỹ năng dài hơi hơn. Để có kỹ năng đó cần bắt đầu viết từ những câu cơ bản nhất.

  2. Viết để sắp xếp suy nghĩ. Hiểu bản thân, và tìm hiểu con người, sự việc xung quanh:

    Tôi muốn tìm ra lối mòn tư duy của bản thân, để quan sát, và điều chỉnh. Nếu gặp vấn đề tương tự, có thể nhạy hơn trong việc đưa ra quyết định. Hoặc nếu thói quen tư duy dẫn đến kết quả không tốt, sẽ cân nhắc điều chỉnh. Sau khi viết, tôi còn nhận ra mình nói tốt và rõ ràng hơn, bởi suy nghĩ đã được sắp xếp rạch ròi trước đó.

    Tôi thường xuyên mù mờ về thế giới và con người bên ngoài thực sự như thế nào. Tất nhiên tôi vẫn có cảm nhận, giả định về sự việc và người xung quanh tôi sẽ ra sao, kiểu gì. Nhưng dù hợp lý thế nào, đó cũng chỉ là giả sử. Cách duy nhất để biết được, là thử kết nối với bên ngoài và tìm phản hồi thật. Viết là cách tôi thấy thoải mái nhất. Nếu vậy chỉ còn cách mài dũa viết cho đạt được mục đích.

  3. Viết để lưu lại trải nghiệm và rút kinh nghiệm.

    Có những thứ chỉ nghĩ ra ở một số giai đoạn nhất định. Nếu viết ra, sẽ nhớ lâu hơn và áp dụng sau này. Ví dụ như năm 35 tuổi làm sếp rồi chắc gì mình còn nhớ ngày 25 tuổi lận đận làm nhân viên quèn khổ sở thế nào mà đối đãi công bằng hơn cho cấp dưới. Hoặc nếu 35 tuổi thất bại khủng hoảng, lật lại nhật ký năm 18 tuổi tràn ngập niềm tin, biết đâu lại hồi sinh lần nữa.

    Nếu sai thì sao? Thì viết chính là cơ hội đối chiếu suy nghĩ của mình với người khác, để có cái nhìn trung hòa nhất. Nếu có người chỉ trích, họ đang chỉ ra lỗ hổng trong tư duy của mình, nên điều chỉnh để bao gồm luôn khả năng đó. Tôi thích câu nói của đồng nghiệp trong một buổi phỏng vấn về creative block: "Lúc biết mình sai, là đang bắt đầu đúng".

  4. Viết là di sản:

    Chúng ta tham vọng những điều lớn lao để có thể tạo ra ảnh hưởng. Nhưng đôi khi, ta chỉ cần viết vài dòng nhật ký.

    Rất lâu về trước, cô của tôi đưa cho tôi một cuốn sổ tay nhỏ màu đen, bên trong là những dòng chữ viết tay phóng khoáng như rồng phượng. Đó là nhật ký của ông nội tôi. Tôi nghĩ lúc viết, ông chỉ là chầm chậm lưu lại trên trang giấy, cuộc sống cứ thế trôi đi. Năm tôi sinh ra là năm ông mất. Ông không biết có đứa trẻ tuổi teen vừa đọc vừa khóc huhu, và muốn sống một cuộc sống với góc nhìn dịu dàng và viết chữ đẹp như trong cuốn sổ tay đó. Tôi nghĩ đó là một sự kết nối, một kiểu ảnh hưởng dù ít dù nhiều, khi chúng ta không hiện diện. Quay về hiện tại, đơn giản như việc khi tôi viết đều hơn, một vài người bạn cũng bắt đầu viết, chia sẻ, ít nhiều giải quyết được khúc mắc trong lòng của họ. Viết là cách đơn giản nhất để tạo ra di sản.

    Vì vậy, dù có thể sai, hãy tiếp tục viết.



Previous
Previous

Ai cũng có thể bị thay thế, kể cả tôi.

Next
Next

Một Portfolio chuẩn cần gì?