Nghĩ về việc nói tiếng Anh chuẩn và vượt qua chướng ngại giao tiếp với người nước ngoài.
Tôi rất thích quán cafe của khoa Thiết Kế (DAB) ở UTS. Họ có nhiều đồ ăn giàu chất xơ và protein. Lúc chờ cafe, tôi hay để ý cách mọi người nói chuyện với nhau khi gọi đồ ăn, đồ uống. Như tôi, chỉ nói mấy câu cơ bản với nhân viên, kiểu: Xin chào, chị thế nào? Một chai latte cỡ nhỏ, làm ơn. Không đường ạ.
Người Úc thân thiện và tự nhiên hơn, họ hớn hở nói chuyện rất nhiều với nhân viên quán. Kiểu, hello, cuối tuần vừa rồi của cô thế nào? của tôi thì chán lắm. Tôi vẫn như cũ nhé, một cap vừa (cappuchino) 1 đường. Nói qua nói lại rất hào hứng.
Tôi học tiếng Anh chục năm, sống ở nước ngoài vài năm, nhận ra cái thần thái và tư duy ngôn ngữ của mình vẫn khác người bản địa rất nhiều. Học được cái vỏ ngôn ngữ không quá khó, nhưng để nắm được cái thần thái, tư duy của một hệ ngôn ngữ đòi hỏi bạn phải hiểu sâu về cách sống của cả một nền văn hoá nơi sử dụng nó. Điều này tôi cho là biết thì tốt, không biết cũng không có gì sai. Tôi không phải dạng “white want to be”, nhưng cũng không quá cổ hủ trong việc tiếp cận sự khác biệt. Một ngôn ngữ mới đối với tôi mà nói là một cơ hội mới để biết, để hiểu, để với ra, còn trở thành gì thì vẫn là nằm ở mình.
Học tiếng Anh không phải để thành người Anh hay người Mỹ. Dăm ba bảy bữa hàng xóm của bạn ở Việt Nam lại kể với nhau chuyện chị A việt kiều Mỹ mới chuyển về sống, “ Đúng là ở nước ngoài về có khác, cái gì cũng như Tây”. Bạn nên hiểu, “như Tây” là một sự lựa chọn, chứ không phải là cái hơn người. Bạn muốn sống như Tây thì bạn có thể xem phim Mỹ phụ đề tiếng Việt, bắt chước không quá khó.
Tôi học tiếng Anh để trở thành người Việt biết tiếng Anh. Thế thôi, chứ không phải để trở thành Tây.
Tôi từng sống với người Hàn, phần đa tiếng Anh của họ không tốt cho lắm. Tuy nhiên họ lại là một nhóm người rất nhiệt tình chia sẻ văn hoá Hàn Quốc với bạn bè nước ngoài. Đặc biệt là đồ ăn. Văn hoá chia sẻ niềm vui của người Hàn rất mạnh. Họ nấu ăn cho nhau, kể chuyện cho nhau, cười cười nói nói. Mới mấy hôm mà tôi dường như muốn chạy ngay sang Hàn Quốc một chuyến để xem xem nó hay ho thế nào rồi.
Một số người bạn Việt Nam tôi biết ở nước ngoài hầu hết lại không như vậy, hoặc do tôi toàn quen mấy người ảm đạm (ôi xin lỗi). Họ lựa chọn cách sống an toàn, điển hình là tôi. Tôi không chia sẻ nhiều về Việt Nam. Tôi chưa nấu được bữa đồ ăn Việt Nam nào cho bạn cùng nhà. Tôi không tranh cãi về chủ nghĩa cộng sản (communism). Tôi cố nói tiếng anh với giọng lai Úc, Mỹ. Thấy hơi xấu hổ và nực cười nếu ai đó bô lô ba la nói với người nước ngoài Việt Nam thế này thế kia. Tôi tránh bất đồng văn hoá, lo lắng mình nói điều gì đó không hợp ngữ cảnh, sai ngữ pháp, không đúng từ, người ta sẽ không hiểu. Tôi có thể làm đại biểu của hội người Việt tiêu cực được. Tôi an toàn sống trong cái vỏ người công dân toàn cầu trung lập.
Tuy nhiên từ lúc quen nhóm người Hàn, tôi nhận ra sống như tôi chả có gì hay, rất dở. Học một ngôn ngữ mới ngoài chuyện thoả mãn ý muốn tìm hiểu thêm kiến thức của bản thân, thì việc chia sẻ cũng mang lại nhiều niềm vui. Tôi bắt đầu hứng thú với việc ngồi nghe cô bạn cùng nhà kể bằng thứ tiếng Anh sứt mẻ về những bà cô dữ dằn ở Hàn quốc vừa chửi vừa cho bạn ăn, rồi về giọng Anh Hàn (Korean English accent) nó quê như thế nào, và về anh bạn trai người Anh của cô nàng đến Hàn Quốc chơi bị bà cổ chê là ốm yếu vì da quá trắng, trong khi cơ bản, hắn ta là người tây “da trắng”.
Những câu chuyện vụn vặt ngớ ngẩn như thế tạo nên một không khí tự nhiên cho cuộc trò chuyện. Và bản thân bạn cũng sẽ thật sự hứng thú. Tôi đang học cô bạn Hàn Quốc của mình cách nói chuyện thú vị hơn, chia sẻ câu chuyện của mình với người khác. Và tôi đã bắt đầu có chút tiến bộ, tức là bạn bè Tây của tôi có lắng nghe và tham gia một chút. Có người còn hỏi thêm, ơ thế ở Việt Nam bọn mày làm thế thật à, tao cũng muốn thử. Đời tôi đẹp hơn một tí thật. Ơn trời.
Cuối cùng để cho có một kết bài theo chuẩn ngữ văn. Ý tôi nói các bạn không nên nặng nề chuyện tiếng Anh bạn đủ chuẩn, đủ Tây hay bạn có như Tây được không. Cái cơ bản là bạn chia sẻ được những gì, nghe thêm được bài học gì. Ngôn ngữ là những cây cầu, mà cầu là để kết nối. Nên bạn cứ kết nối đi.