Đừng bảo phụ nữ ngừng nghĩ nhiều.
Tính tôi nhìn ngoài có vẻ mạnh mẽ, bất cần, nên thỉnh thoảng thu hút một vài bạn nữ yếu đuối kết bạn với nhiều tâm tư tình cảm phức tạp. Chủ yếu là phụ nữ châu Á, vấn đề của họ là đàn ông, chồng, người yêu của họ. Họ muốn biết là nếu ở trong hoàn cảnh như vậy, thì tôi sẽ xử lý thế nào, với sự lý trí của một cô gái độc thân.
Lâu dần sổ tay toàn những chuyện sầu đời. Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu, thỉnh thoảng gom gom lại đăng lên mạng với từ ngữ trung tính, tiện thể thăm dò xem mình như vậy có quá đáng hay không. Vì tôi làm sao thấu được, cảm giác cô đơn tột độ khi bị bỏ rơi, lạnh lùng, lừa dối từ người yêu; cảm giác như đứt lìa cột sống khi sinh con, cảm giác hoang mang không còn là bản thân mình khi trầm cảm sau sinh là như thế nào. Phụ nữ thật tuyệt vời. Những chuyện đó, họ trải qua như một cái búng tay chuyển cảnh trong phim. Rồi vài tiếng, vài ngày, vài năm trôi qua, họ lại tận tụy làm việc như chưa từng tổn thương, mọi người cũng dần quên, coi là chuyện thường.
Tôi kiêu ngạo như vậy, là vì quá may mắn, quá ít trải nghiệm, quá nhút nhát và thiếu niềm tin, dám lấy lập trường gì để đối chiếu quyết định với những cô bạn tưởng yếu đuối nhưng rất dũng cảm yêu và sống của tôi đây. Tôi chỉ biết nghe và nhìn, rồi ngồi xuống thở dài thôi.
Khi nói chuyện với những nạn nhân bị ức chế tâm lý do một số hoàn cảnh điển hình của phụ nữ châu Á này, tôi nhận ra vài điều.
Thứ nhất, họ nhẫn nhịn, không nói về khó khăn tâm lý (hoặc vật lý) của mình. Tôi đoán là do xã hội. Xem Facebook như một xã hội hiện tại thu nhỏ, của tôi chẳng hạn, tôi và các em tôi nếu đăng bất cứ thứ gì có màu tiêu cực, đều bị người nhà lệnh gỡ xuống. Tất cả những gì chúng ta được chia sẻ, là phải đẹp. Cứ như vậy lớn lên, không bao giờ dám nói về bất ổn, về chướng ngại tâm lý, về sợ hãi, lo âu. Đến khi phải trải qua một số biến cố hiển nhiên của cuộc sống, thì nhịn phát bệnh. Chưa ai dạy chúng ta phải đối mặt với tiêu cực như thế nào ngoài giấu giếm đi cho khuất mắt.
Thứ hai, thủ phạm gây tổn thương tinh thần nhiều nhất (cho cả nam lẫn nữ), là người nhà. Chúng ta sinh ra với kỳ vọng hiển nhiên là người nhà sẽ phải quan tâm, chăm sóc cho nhau. Cho nên chẳng may vì lý do nào đó, lúc trưởng thành, người anh chị em, cha mẹ, con cái, vợ chồng, không thực hiện được nghĩa vụ này, thì ta cảm thấy đau đớn vô cùng. Tại sao chị gái lại nói những lời vô tâm như vậy lúc con của em bệnh tật; tại sao chồng mình có thể cả đêm uống rượu với khách, còn mình mới mổ đẻ xong, một bát cháo anh ta không mang đến nổi? Tại sao dì ruột mình lại o ép, đòi hỏi vô lý mình?
Tôi tự hỏi, phụ nữ da trắng, như mấy đứa bạn khác của tôi, những người sống độc lập với bố mẹ, và dễ nổi khùng nổi điên nói ra hết khó chịu trong người chả nể nả gì ai, có trải qua vấn đề tương tự hay không, sống có dễ hơn không?
Dù sao thì, không thể nói phụ nữ đừng nghĩ nữa, đóng mình chặn hết các tổn thương được. Phụ nữ là phụ nữ, họ vươn lên tuyệt vời thì rớt xuống cũng tuyệt vọng. Tôi chỉ có thể ngồi đó, vâng dạ, lắng nghe. Vẫn như vậy, không quên được ánh mắt bất lực của chị giáo viên dạy văn cùng nhà hồi trước, sau khi kể chuyện, chị ấy nói "có thể làm gì được chứ, tôi chỉ là một đứa con gái châu Á bé nhỏ". Ta có thể làm gì được chứ.