Margaret Zhang
Mark Chen là ông chủ tiệm cafe The Tart ở Glebe mà tôi làm thêm hồi đại học. Tôi rửa chén, phụ bếp, và lau sàn, dọn dẹp ở đó tầm 20 tiếng một tuần hoặc hơn. Mark là một người đàn ông Trung Quốc nhỏ nhắn, gầy gò, khiến ông nhìn có vẻ gìa hơn tuổi thật.
Ngoài những lúc la hét ở trong bếp ra thì chúng tôi thỉnh thoảng có nói chuyện. Thường là lúc tôi ăn xong bữa trưa tự nấu từ nguyên liệu trong bếp. Mark hỏi tôi về chuyện đi học, học gì, thấy thế nào, Việt Nam trông làm sao, kể cho tôi chuyện hồi ông còn ở Trung Quốc, rồi sang Úc thế nào.
Có hôm Mark hỏi tôi, có biết Margaret Zhang không? tôi nhướn mày. Mark? người đàn ông đến từ một miền quê hẻo lánh nào đó ở Đại Lục, khuôn mặt nhàu nhĩ luôn cúi gằm xuống sàn vì áp lực nuôi sống gia đình và có thể cả từ người vợ phốp pháp nở phổi của ông ta, mà lại biết đến Margaret Zhang?
Năm đó Uniqlo mới đến Úc, poster của Margaret Zhang to đùng trên billboard quảng cáo của hãng này. Ban đầu tôi không để ý lắm, sau vì tò mò nên lên mạng tìm xem cô này là ai.
Margaret Zhang sinh năm 1993, là một blogger thời trang gốc Trung Quốc, sinh ra và lớn lên ở vùng Ryde, Sydney.
Nhưng điều đáng nói ở đây, Margaret có bằng cử nhân kép của đại học Sydney chuyên ngành thương mại và luật. Từng đam mê Ba lê và theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp 10 năm, chơi đàn Piano cổ điển và Violin. Vô cùng giỏi toán, và được khuyên theo đuổi sự nghiệp toán học chuyên sâu từ năm cấp ba.
Hiện tại cô ấy là giám đốc sáng tạo, cố vấn hình ảnh cho các nhãn hàng lớn như cỡ Dior, Dion Lee vân vân, chụp hình và viết bài cho báo thời trang kiểu Vogue, Nylon các thứ… Rất khác biệt so với những tiềm lực mà cô ấy có nhỉ? đáng ra đã trở thành đứa con nhà người ta chuẩn châu Á, làm luật sư, diễn viên múa?
Margaret chia sẻ trong một buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho người trẻ năm cô ấy mới 22 tuổi, "người ta nói tôi có thể làm cái này cái kia, ok, mọi người đều có quyền nghĩ bạn phù hợp với cái này cái nọ”, “nhưng tại sao không thử làm một cái gì đó khác đi?, nếu tôi cứ làm như lời mọi người nói, ra trường, làm văn phòng, có nhà, có con, thì bây giờ tôi không đứng ở đây chia sẻ với các bạn những điều này”. Công việc của Margaret luôn phát ra một luồng nội lực mạnh mẽ, đáng nể. Nể vì cô gái châu Á nhỏ nhắn này, da ngăm, nói giọng Úc, lớn lên trong cách nuôi dạy điển hình của bố mẹ Trung Quốc, background khá rối, mà cô ấy làm được, làm điều khác, và tốt đẹp, phá bỏ các định kiến cổ hủ của những người cũ.
Kiểu người như Mark Chen, ở đầu bài, còn nhớ chứ, người đàn ông nhìn khổ sở đó, đến từ tầng lớp bình thường trong xã hội, cũng nói với tôi rằng, “ Tao thích Margaret Zhang lắm, con nhỏ là thần tượng trong giới bố mẹ người Trung ở đây, ước gì có đứa con gái như vậy, vừa thông minh, giỏi giang và xinh đẹp”. Chả hiểu sao nghe xong thấy rất vui, vì tôi thuộc kiểu người tiêu cực, hết hi vọng vào xã hội, thời điểm đó không hề vui thú gì cuộc sống, cày vì tiền, chẳng có nghĩa lý sống gì cao cả. Suy nghĩ của Mark Chen làm tôi thấy, à thì ra mấy người trần mắt tục như tôi và ông, cũng có thể rung động vì những lý tưởng tốt đẹp như vậy. Và người cũ cũng không hẳn cũ, thực sự phục Margaret Zhang vì có thể ảnh hưởng tốt đến một nhóm người phong kiến như Mark Chen.
Tôi thích cái lý tưởng sống này, có giá trị của bản thân, liên tục xây dựng giá trị của bản thân, và thử những điều mới lạ. Như Margaret, vẫn là đứa con chuẩn con nhà người ta, học hành đến chốn, rất yêu em trai và mẹ, và làm bánh xếp rất khéo. Vẫn bận jeans rách, nhuộm tóc màu, làm nghệ thuật, có đầu óc, kiếm tiền giỏi. Margaret vẫn là Margaret của gia đình cô ấy, nhưng trải nghiệm thì đa dạng hơn nhiều.
Điều này nói ra nghe rất đơn giản, rất lý tưởng. Nhưng những mâu thuẫn tủn mủn trong cuộc sống hàng ngày, nghĩ ra mà nói, khó vượt qua khủng khiếp. Và để sống được như vậy khó khăn bao nhiêu. Cần bao nhiêu dũng cảm và kiên định? đặc biệt đối với những “ little Asian girls” như tôi và các bạn nữ.
Những chuyện tủn mủn như trong entry trên blog của Margaret, trong cuộc sống và công việc. Những lúc cô ấy đứng lên, tự là chính mình, hành xử theo lý sống của mình cho dù hoàn cảnh không thuận lợi, khiến tôi càng yêu thích cô gái này hơn.
Khi bị chỉ trích về thái độ không chịu chụp hình chung với những cô gái bận đồng phục tài trợ bởi Instagram, Margaret đã giải thích với producer của cô ấy, rằng cô ăn bận hoàn toàn không đồng nhất với concept và không có lợi ích về mặt quảng cáo. Chứ không phải kênh kiệu và đặt mình hơn người khác. “ Despite being seated together, they were in catsuits and I was not, and that does not place me above or below them, we simply exist in different worlds and there is enough room for all the worlds and all the ways we choose to represent ourselves”. (chúng tôi cơ bản sống ở hai thế giới khác nhau, và tôi tin là có đủ không gian cho nhiều thế giới tồn tại song song và đủ kiểu cho mọi người thể hiện bản thân thôi, việc tôi ăn bận khác người, không có nghĩa là tôi đặt mình lên trên hay thấp kém hơn mấy chị gái đó.”)
Producer của cổ bảo, nghe mệt thật. Đúng thế, việc giải thích bản thân nghe rất mệt mỏi, kiểu như tôi, cũng thích đi giải thích bản thân với những người tôi coi trọng trong cuộc sống, cũng chẳng có mấy người. Và lần nào họ cũng mệt, nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng tôi muốn như vậy, và cho đó là điều cần thiết. Because you matter to me, I make sure you understand me properly if you care enough. (Người quan trọng với tôi, tôi cần họ hiểu tôi, nếu tôi cũng quan trọng đối với họ). Cho nên, các bạn gái ạ, đừng sợ mệt, đừng sợ phiền, hãy giải thích, làm ơn đấy. Hãy đứng trên lập trường của mình, dành thời gian tìm ra lập trường của mình, và xây dựng nó, điều chỉnh nó, nắm chắc lấy nó để sống.
Câu chuyện về người đi chung chuyến Uber vô duyên này chắc cũng thường được bắt gặp. Nó nói lên một điều là, người hãm lờ ở đâu cũng có thể gặp. Hãy cứ lịch sự bỏ qua, hãm lờ nó có rất nhiều chủ đề, như đào bới xỉ nhục gốc gác của bạn, quê hương bạn, màu da, màu tóc của bạn. Nhưng mà như tôi nói đó, bạn biết bạn thế nào, bạn biết cái gì không quan trọng, nắm cho chắc, lịch sự bỏ qua nhân tố hãm lờ để có cuộc sống chất lượng nhé. Nhớ phải lịch sự đấy.
Đoạn trích này, nói về việc cô ấy mệt. Như tất cả chúng ta, Margaret Zhang cũng mệt. Và cách cô ấy đối diện là rơi vào im lặng, retweet Shakespeare vì cổ nghĩ là hài, và ngồi làm slideshow về cách nhìn nhận cuộc sống của bản thân. Margaret cho rằng, kể cả những điều mệt mỏi ấy, cũng là “I reap what I sow”, tôi gieo gì thì gặt nấy, tự làm tự chịu. Cô nhắc đến một đồng nghiệp gốc Phi, bị nhân sự cấm để tóc tự nhiên đi làm (người gốc Phi thường có mái tóc tự nhiên không được “tự nhiên” cho lắm, bạn biết mà), một chuyện vô lý kinh khủng. Cho nên, Margaret thấy cổ còn may mắn chán so với cô bạn đồng nghiệp. Đâm ra, những lúc cô phát ngán vì công việc, khách hàng, và những đòi hỏi dở hơi cám lợn vô lý, lại tự nhủ, mình chọn môi trường làm việc này, khả năng gặp mấy vụ kiểu thế càng cao, I reap what I sow.
Học cách chấp nhận, tự điều chỉnh bản thân, hiểu, trân trọng, vượt qua.
Hôm qua là ngày phụ nữ Việt Nam. Người ta có thể khen và tôn vinh đủ kiểu. Nhưng tôi biết, thực sự bên trong, còn nhiều điều sáo rỗng, hầu như là sáo rỗng. Những người xung quanh bạn, phần đa vẫn ù lì trong tư tưởng như vậy khi nhìn nhận về phụ nữ, những điều được làm, và không được làm.
Các bạn gái của tôi, tôi muốn các bạn đọc và hiểu, if you care enough, because I do. Những điều nhỏ nhỏ, từng bước một, giúp chúng ta, “just a little asian girl”- s, dũng cảm là chính mình lên từng ngày.
I’ll keep sharing.
Thanks for following through.
Tóc hồng nha *nháy mắt* :D
Về Margaret Zhang:
Năm 2021, Margaret Zhang trở thành tổng biên tập trẻ nhất của Vogue China ở tuổi 27.
https://www.instagram.com/margaret__zhang/
http://margaretzhang.com.au/
https://www.youtube.com/user/shinebythree